15/6/15

Những tô phở thừa - truyện ngắn Nguyễn Thị Diễm Kiều

Battambang, thành phố của những phồn hoa và tráng lệ với những casino hay những quán karaoke lộng lẫy. Hàng tá người vẫn cứ bon bon trên những chiếc xe hơi đắt tiền. Bar và club vẫn cứ không ngớt giới thượng lưu. Trẻ con có thể nói tiếng Anh rôm rả cùng du khách… Ấy thế mà…
Lam cười ngặt nghẽo. Cười cho cái sự đối lập đến choáng ngợp của cái thành phố lớn thứ hai của đất nước Campuchia. Biết nói thế nào cho đúng nhỉ? Ừ thì chắc là “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Mà điều thể hiện rõ ràng nhất cái sự chênh lệch ấy chính là khung cảnh ở những quán ăn.
Những đứa trẻ đen đúa, quần áo rách nát đang đứng đó. Đứng dọc theo những dãy hàng ăn uống nhộn nhịp. Lam và nhóm bạn đang húp xì xụp tô phở Việt Nam thơm lừng trong cái thời tiết lạnh lẽo của một đêm mưa ở Battambang thì vô tình nó phát hiện ra những ánh mắt mòn mỏi trông ngóng của lũ trẻ. Chúng đang ngóng chờ cái gì vậy nhỉ? Trời lạnh thế này mà cứ ăn mặc phong phanh thế làm sao mà chịu nổi.
“Ăn đi, nhanh rồi về! Ngồi đây lạnh cóng, lát nữa đông đá luôn bây giờ…”.
Tiếng nhỏ Trâm cứ oang oang làm nó quên luôn những suy nghĩ đang chạy trong đầu. Thế là nó lại cúi xuống và bắt đầu chiến đấu với tô phở đang ăn lửng. Vừa húp vừa cảm thấy ấm nóng trong cuống họng. Trời lạnh thế này mà ăn một tô phở nóng rồi quay qua nhâm nhi ly sinh tố dừa đặc sản của Campuchia thì còn gì tuyệt bằng. Cái cảm giác vừa nóng vừa lạnh khiến cơ thể đấu tranh mãnh liệt, càng nghĩ càng thấy thích.
Ăn được nửa tô và làm ráo hoảnh ly sinh tố ngon lành là bụng nó đã no căng. Nhìn phở và phần thịt còn thừa trong tô mà nó tiếc hùi hụi. Giá như nó có thể ăn thêm tí nữa cho thoã mãn cái giá trị năm đô và hai ngàn riel cả thảy. Tiền mà, bỏ lại thấy hoang phí quá. Cái xứ sở này cũng có phát triển là mấy đâu mà giá cả cái gì cũng đắt. Cứ rảnh rỗi chạy ra The River hay The Roses uống một ly cà phê và thưởng thức một bản nhạc nhẹ thôi là cũng mất toi mấy đô Mỹ. Chưa kể nếu chạy qua chỗ Kathryn mà thằng bạn nó làm pha chế chính để nhâm nhi ly Latte yêu thích thì chắc cũng đủ để ăn hai ba tô phở ở Việt Nam rồi. Nghĩ mà thấy xót xa cho túi tiền quá độ. Mới sang đây có mấy ngày mà mất toi gần mấy triệu, cũng may nó đi theo chương trình được lo ăn ở chứ không thôi thì đói chết.
“Cô ơi! Tính tiền!”.
Nhỏ Trâm hí hửng gọi lớn tiếng, chắc nó cảm thấy mừng húm vì cả tuần nay chẳng tìm được một chỗ nào nói tiếng Việt cho thỏa chí anh hùng. Hôm nay tình cờ phát hiện ra cái quán Việt này thiệt là may, vì mấy ngày liền cả đám đang sắp phát khóc vì không nuốt nổi những món ăn xứ khách. Mường tượng theo kiểu không thể nào thích nghi được với cái vị của cái lá gì lạ hoắc, mùi kinh khủng mà dân bản xứ thêm nó vào tất cả đồ ăn hay cái món hành tây mà lăn bột rồi chiên, gà thì đem nấu canh chua với đủ thứ rau củ… nhìn thôi là đã thấy rợn tóc gái. Dù biết rằng “exchange cultures” (trao đổi văn hoá) là mục tiêu của chương trình nhưng sao không đứa Việt Nam nào thấy thỏa mãn cơn đói với những món ăn kiểu đó.
“Ui da…”.
Tiếng nhỏ Trâm lại lần nữa vang lên làm nó giật mình. Tụi trẻ con lúc nãy đứng ở trước cửa quán đang ùa vào như bão lũ. Mất hết ba mươi giây để định hình lại chuyện gì đang xảy ra, nó cảm thấy bản thân mình chếnh choáng với những cảnh tượng lạ lẫm trước mặt. Chúng - những đứa trẻ nhỏ gầy guộc và đen đúa chừng bốn, năm tuổi đang hì hụp húp lia lịa những tô phở mà bọn nó vừa bỏ lại, vừa ăn vừa nói những câu gì đấy bằng thứ tiếng mà nó nghe chẳng hiểu. Cái quái gì đang diễn ra thế không biết.
“Cô ơi! Chuyện này…”.
Nó cố gắng mở miệng một cách khó khăn rồi nhìn chăm chăm vào mặt cô chủ quán đang cẩn thận đếm tiền thối lại. Ấy thế mà khuôn mặt cô cứ dửng dưng như thể chuyện thường ngày làm nó muốn phát cáu:
“Có gì lạ đâu. Tụi nhỏ đói khát tìm chút năng lượng sống bằng những thức ăn thừa của khách. Vậy mà cũng thắc mắc…”.
“Nhưng cha mẹ bọn chúng đâu mà để chúng sống khổ thế cô?”.
“Thôi đi cô! Đời sống mỗi người mỗi khác. Đâu phải ai cũng may mắn có một gia đình no đủ như tụi cô, được ăn no mặc ấm, được vi vu nơi này nơi nọ. Bọn nó là trẻ mồ côi, có được cái ăn đã khó, lấy đâu ra cha mẹ mà nuôi…”.
Nó muốn khóc thật. Một cảm giác đau đớn dâng tràn. Nhìn những đứa trẻ đáng thương đang mỉm cười hạnh phúc vì được nhâm nhi những tô phở mà khách hàng bỏ dở. Sao mà chua xót quá. Nó được sinh ra trong một gia đình không giàu có nhưng chưa bao giờ thiếu thốn tình thương yêu của cha mẹ. Khi năn nỉ xin tiền mua sách hay đi chơi cùng đám bạn mà bị hỏi vài ba câu đã thấy bực bội và làm nũng chẳng chịu ăn cơm… 
Tất cả những hình ảnh ấy hiện lên rõ rệt khiến nó không khỏi dằn vặt bản thân mình. Hóa ra nó từng may mắn hơn hàng tá người mà nó vẫn vô tình không hay biết. Rồi trong vô thức, nó móc trong ví ra một xấp tiền định cho tụi nhỏ đáng thương một ít nhưng có một bàn tay vô tình ngăn nó lại bằng cái giọng lạnh ngắt, lạnh hơn cả trời đêm hôm đó:
“Đừng có dại mà cho tiền. Cho được một đứa là cả lũ bu lại xin rồi khỏi đi luôn đừng trách. Cô không đuổi tụi nó đi là may mắn lắm rồi…”.
Những lời lẽ cay cú của cô chủ quán càng khiến nó thêm phần đau đớn. Chúng chỉ là trẻ con thôi mà. Tại sao lại có những cảnh đời quá ư là bất hạnh? Vậy mà mới hôm qua thôi khi đi tham quan mấy danh thắng nổi tiếng của xứ sở này nó và tụi bạn đã phải ồ lên vì ngưỡng mộ những đứa con nít nói tiếng Anh như chẻ củi, phải choáng ngợp khi bước vào karaoke Omega hoành tráng và diễm lệ như những thiên đường bắt mắt… 
Vậy mà hôm nay, cũng chính tụi nó phải đứng đây và chứng kiến một hoàn cảnh khác. Một hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược. Hai bộ mặt tối và sáng đấu tranh gay gắt đến nảy lửa khiến nó không thể nào thích nghi. 
Đau xót quá! Giá như những con người thích chạy vào những quán bar, casino huy hoàng hay bỏ tiền ra để nhâm nhi những ly cà phê mấy đô la chịu dùng thức ăn gì đó rẻ hơn và phần tiền còn lại để dành xây dựng những trại trẻ mồ côi cho những hoàn cảnh đáng thương trước mặt thì có lẽ những đất nước này sẽ chẳng mấy chốc vươn lên. Nhưng thế giới này hoàn toàn chẳng tồn tại hai từ “giá như” nên những cảnh đời bất hạnh cứ thế mà trôi dạt…
Ôi những tô phở thừa! Những đứa trẻ đen đúa và rách rưới vẫn cứ đứng đó và chờ đợi. Chúng đợi từng lượt, từng lượt khách ra vào với một chút hy vọng mỏng manh rằng ai đó sẽ ăn thừa nhiều nhiều một chút. Càng nhiều đồ thừa thì nụ cười của chúng sẽ càng tươi, tươi vì được một bữa no nê và kéo dài được sinh mạng thêm một ngày lạnh giá để rồi sớm mai thức dậy lại thi nhau chạy đến những hàng quán và chờ đợi… 
Và rồi tuổi thanh xuân của chúng cứ thế trôi đi trong vô thức. Toàn bộ ký ức còn đọng lại chỉ là những giây phút tranh nhau húp phở. Đứa nào to con thì được ăn nhiều, đứa nào yếu ớt thì lại cứ đói đến hỏng cả dạ dày. Nếu may mắn sẽ húp được một chút xíu nước phở thừa của phở thừa. Chao ôi! Sao mà bất hạnh hơn bao giờ hết…
Ôi những tô phở thừa! Chắc chẳng mấy ai biết được rằng những thứ mà họ bỏ đi ấy lại đang cứu sống rất nhiều những số phận hẩm hiu…
Trời đêm đang lạnh. Mưa vẫn cứ rơi. Nhiều người lại tấp vào ăn phở. Có một nhóm người lặng lẽ bước ra với những trái tim đầy thương tổn. Khóe mắt bỗng thấy cay cay và đỏ đỏ. Chắc tại vì lúc ăn đã lỡ cho nhiều ớt. Cay và khó chịu tận tâm can…

NGUYỄN THỊ DIỄM KIỀU

6 nhận xét:

  1. "Ôi những tô phở thừa! Chắc chẳng mấy ai biết được rằng những thứ mà họ bỏ đi ấy lại đang cứu sống rất nhiều những số phận hẩm hiu…"
    ôi cuộc đời....mặt trái của sự xa hoa lộng lẫy nơi thành đô là những mảnh đời bất hạnh, côi cút.

    Trả lờiXóa
  2. Thật ra lúc mới nhìn thấy cảnh ấy mình cũng sốc lắm. Thấy thương tụi nhỏ ghê!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. um. Cuộc sống hôm nay là thế bạn ạ! Chúc bạn vui!

      Xóa
    2. Cảm ơn bạn nhé!

      Xóa
  3. Mình đã đọc truyện ngắn của bạn rồi, hình như nó giống bút ký hơn. Chúc tác giả trẻ Kiều Nguyễn nhiều niềm vui, có nhiều tác phẩm nữa nhé !
    Thân, Phan Nam

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn vì những góp ý chân thành của bạn. Mình sẽ cố gắng khắc phục thiếu sót để viết tốt hơn...

      Xóa