14/7/17

Mưa núi - bút ký Trịnh Bửu Hoài

Giữa thu. Các cánh đồng quanh dãy Thất Sơn ngập đầy nước, mênh mông như biển, các ngọn núi như những hòn đảo chơ vơ giữa trời mây bao la. Trời in bóng nước, nước xanh màu trời. Một khung cảnh nên thơ, ảnh chụp đẹp như tranh. Chim bay trên trời, cá lội dưới đồng, giỡn bóng cùng nhau. Xa xa, hoa điên điển nở vàng rực bên đường, như những cánh bướm đeo nhau cợt gió.

Sáng nay. Trên con đường nhựa phẳng phiu từ Châu Đốc vào Tịnh Biên, rồi băng qua Tri Tôn xuyên vào dãy Thất Sơn, đầu núi vấn đầy mây, chuồn chuồn từng đàn bay là đà xuống đất. Chuồn chuồn bay thấp thì… Bầu trời từ sớm tinh mơ đã nằng nặng bây giờ càng nặng nề hơn với những đụn mây xám khổng lồ xuất hiện ở chân trời, như những chiếc thuyền màu đen đang bay lên từ vịnh biển Hà Tiên và đang lướt dần trên đầu những ngọn núi. Chúng tôi tăng tốc, cho xe chạy nhanh hơn để kịp đến điểm hẹn với bạn bè, đồng nghiệp ở huyện.

Mưa rơi. Những giọt nước mong manh quất vào mặt rát bỏng bởi sức gió lùa ngược. Chúng tôi mặc áo mưa tiếp tục cuộc hành trình cho kịp giờ. Mưa càng lúc càng to. Con đường bị nước nuốt chửng như một dòng sông cạn. Chiếc xe rẽ nước lướt tới như một con tàu. Nước từ trên núi đổ xuống như dòng thác ngầm, xuyên qua rừng cây, xóm nhà tràn xuống lũng sâu. Nước ở miền núi rất quý hiếm, nhưng đôi khi lại là tàn phá, xoi lở những con đường vừa mới đắp, làm hư hại những đám rẫy non…

Mưa nhẹ hạt. Bầu trời  thấp xuống với màu xám xịt. Những dãy núi ẩn thân từ từ lộ diện tìm kiếm ánh mặt trời. Chiếc cầu vòng ngũ sắc hiện ra trên cánh đồng, chỉ vút lên một đoạn ngắn…

Thất Sơn là dãy núi hiếm hoi giữa đồng bằng sông Cửu Long. Trên thảm xanh bạt ngàn của vùng châu thổ phì nhiêu từ phù sa của con sông dài xuyên qua nhiều nước ở châu Á này, gần 40 ngọn núi đột ngột mọc lên bên biên thùy Tây nam. Có ngọn rất cao như Thiên Cấm Sơn trên 700 mét, có ngọn rất thấp như Thủy Đài Sơn chỉ 50 mét, có ngọn rất dài như Ngọa Long Sơn hơn 20 cây số vòng quanh. Hình thành một vùng núi đa dạng, hiểm trở và một thời huyền bí bởi có nhiều vồ, hang, điện, lò ảng mà con người không dám bén mảng tới…

Theo thống kê trong “Địa chí An Giang”, núi ở An

Giang có thể chia thành 6 cụm và hai ngọn núi lẻ là núi Nổi và núi Sam. Núi Nổi còn gọi là Phù Sơn, cao không quá 10 mét, xưa thuộc xã Tân An, nay thuộc xã Tân Thạnh, thị xã Tân Châu ; núi Sam còn có tên Học Lãnh, đúng ra là Họt Lãnh Sơn, có hình con sam, cao 230 mét, xưa thuộc xã Vĩnh Tế, nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc.

Sáu cụm núi còn lại là cụm núi Sập ở huyện Thoại Sơn gồm có núi Sập, núi Bà, núi Cậu, núi Nhỏ ; cụm núi Ba Thê ở vùng Óc Eo là Ba Thê, núi Chóc, núi Trọi, núi Nhỏ, núi Tượng. Hai cụm núi nầy ở cách xa vùng Bảy Núi nên không có ngọn núi nào liệt vào Thất Sơn. Bốn cụm còn lại nằm trong địa bàn hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, mỗi cụm đều có từ một đến ba ngọn nằm trong Thất Sơn.

Cụm núi Cấm, ngoài núi Cấm là Thiên Cấm Sơn (có người còn gọi là núi Gấm hoặc Thiên Cẩm Sơn), ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn, còn lại là các núi Nam Qui, Bà Đội Om, Ba Xoài, Tà Lọt, Cà Lanh, Bà Khẹt. Cụm đông nhất là Phú Cường với 13 núi, có hai ngọn thuộc Thất Sơn là núi Kéc tức Anh Vũ Sơn cao 266 mét, núi Dài Năm Giếng tức Ngũ Hồ Sơn cao 265 mét, trong khi đó núi Phú Cường cao nhất cụm 282 mét nhưng không có tên trong Thất Sơn, các núi còn lại là Trà Sư, Tà Nung, Mo Tấu, Bà Vải, Đất Nhỏ, Đất Lớn, Bà Đắt, núi Chùa, núi Cậu, núi Rô. Cụm Cô Tô chỉ có hai núi là núi Tà Pạ và núi Cô Tô tức Phụng Hoàng Sơn có chiều cao đứng thứ nhì Thất Sơn là 614 mét. Cuối cùng là cụm núi Dài có bốn ngọn nhưng có đến ba ngọn được xếp vào Thất Sơn là núi Dài Lớn còn gọi là núi Dài Văn Liên tức Ngọa Long Sơn cao 554 mét, núi Tượng tức Liên Hoa Sơn cao 145 mét, núi Nước tức Ngũ Hồ Sơn chỉ cao có 54 mét, còn lại là núi Sà Lon.

Vì sao trong 26 ngọn núi liên hoàn của vùng Tịnh Biên, Tri Tôn người ta chỉ chọn 7 ngọn để hình thành dãy Thất Sơn? Do ngày xưa đường đi hiểm trở, rừng rậm không mở được lối mà thú dữ dẫy đầy, người khảo sát không có cách đi hết các núi được ; hoặc các bậc cao thâm chọn theo phong thủy, địa lý ; hay bên cạnh có sông Cửu Long, nơi đây phải là Thất Sơn, ứng nghiệm với “thất, cửu” ; lại có ý kiến cho rằng chọn 7 ở dãy núi miền Nam để phù hợp thứ tự (số lẻ) với miền Bắc có núi Tam Đảo (3 ngọn) ở tỉnh Vĩnh Phúc, miền Trung có Ngũ Hành Sơn (5 ngọn) ở Đà Nẵng.

Trong bảy ngọn núi của Thất Sơn, cũng có những ý kiến khác nhau. Hiện nay, phổ biến nhất là bảy ngọn: Anh Vũ Sơn (núi Kéc), Thiên Cấm Sơn (núi Cấm), Ngũ Hồ Sơn (núi Dài Năm Giếng), Ngọa Long Sơn (núi Dài Văn Liên), Liên Hoa Sơn (núi Tượng), Thủy Đài Sơn (núi Nước), Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô). Có người cho rằng Thất Sơn gồm có núi Kéc, núi Trà Sư (Kỳ Lân Sơn, cao 146 mét), núi Dài, núi Bà Đội Om (cao 261 mét), núi Cấm, núi Tượng, núi Cô Tô.

Trong “Gia Định thành thông chí”, Trịnh Hoài Đức ghi chép khá tỉ mỉ vùng núi ở An Giang nhưng chỉ ghi được 19 ngọn: Thụy Sơn (tức Thoại Sơn, còn có tên núi Lấp, Lập Sơn, núi Sập), Bảo Sơn (núi Cậu), Ba Thê, Tà Chiếu, Trà Nghinh ở vùng Thoại Sơn ; còn lại là Tượng Sơn, Ca Âm, Nam Sư, Khê Lạp, Toái Sơn, Tà Biệt, Ba Xui, Ngật Sum, Nam Vi, Đài Tốn, Tiểu Bà Đê, Đại Bà Đê, Chân Sum, Sâm Đăng ở vùng Tri Tôn, Tịnh Biên ngày nay.

Đến “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi thêm 5 ngọn: Tô Sơn, Cấm Sơn, Ốc Nhẫm, Nhân Hòa, Thị Vi. Trong số 19 ngọn giống như trong “Gia Định thành thông chí”, có một số ngọn “Đại Nam nhất thống chí” ghi trại đi như Trà Chiếu thay vì Tà Chiếu, Khê Lạp có thêm tên Khê Săn, Tụy Sơn thay cho Toái Sơn, Ba Xui thành Ba Xôi, Ngật Sum thành Ngất Sum, Tiểu Bà Đê và Đại Bà Đê thành Tiểu Ba Đê và Đại Ba Đê, Thâm Đăng thay cho Sâm Đăng.

“Đại Nam nhất thống chí” ghi Thất Sơn gồm có các núi: Tượng Sơn, Cấm Sơn, Tô Sơn, Ốc Nhẫm, Nam Vi, Tà Biệt, Nhân Hòa. Trong số nầy, ta biết được Tượng Sơn là Liên Hoa Sơn, Cấm Sơn là Thiên Cấm Sơn, Tô Sơn là Phụng Hoàng Sơn, các núi còn lại không thể khẳng định là núi nào hiện nay. Do cách đo đạc của người xưa còn thô sơ mà đường đi khó khăn, hiểm trở nên số liệu ghi lại không đồng nhất, có cái khá sai biệt so với bây giờ. Vị trí núi cũng khó phân định khi những địa danh ngày xưa gần như không còn tồn tại. Người xưa định vị núi bằng khoảng cách (dặm) và hướng (đông tây nam bắc) với các huyện lân cận, mà vị trí các huyện nầy bây giờ không xác định cụ thể được.

Ví dụ, “Đại Nam nhất thống chí” ghi “núi Ốc Nhẫm ở huyện Hà Dương, phía tây tiếp núi Tượng Sơn, cũng là một trong Thất Sơn” ; không ghi chiều cao, chiều dài hoặc chu vi ; có thể đó là núi Dài Lớn nhưng cũng chỉ là suy đoán. Chỉ riêng bốn ngọn Tiểu Bà Đê, Đại Bà Đê, Chân Sum, Thâm Đăng, theo định hướng thì nay có thể không thuộc Việt Nam.

Thời khẩn hoang lập ấp, núi rừng hoang vu trùng điệp, dẫy đầy thú dữ, sơn lam chướng khí, con người bé nhỏ trước thiên nhiên và không đủ sức đối đầu với thiên tai địch họa, nên nhìn quanh rừng núi thâm u thấy gì cũng bí hiểm, lo sợ vì không lường trước được những diễn biến khắc nghiệt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Người ta phải tin vào thần linh, tìm cách lý giải những hiện tượng lạ bằng thần huyền để van vái phò hộ vượt qua hiểm nguy, bệnh tật và cầu xin được một cuộc sống an lành, no ấm.

Dù đó là mê tín, có khi do mình tưởng tượng ra hoặc một người nào đó kể lại, không thể tìm hiểu hay lý giải được nhưng họ vẫn tin để an định tinh thần mà có sức phấn đấu. Nhiều nhân vật lợi dụng điểm yếu nầy của lưu dân để tạo nên những bí ẩn, huyễn hoặc quanh vùng Thất Sơn với nhiều ý đồ khác nhau để tạo dựng sự nghiệp.

Những ngọn núi tuy không cao, không hiểm trở như vùng núi phía Bắc nước ta hoặc ở Trung Quốc, Ấn Độ ; nhưng giữa vùng đồng bằng mênh mông phẳng lặng lại có nhiều tháng chìm sâu dưới mùa nước nổi, dãy Thất Sơn đương nhiên là uy nghi, hùng vĩ và thiêng liêng trong mắt mọi người. Lúc nầy, núi không còn là những hòn đá vô tri mà người ta gắn cho từng hang, động, điện, vồ… kể cả cây cổ thụ, đều có thần linh trú ngụ, ma quỷ quẩn quanh, âm binh lui tới. Núi bỗng dưng trở thành những quái kiệt kỳ nhân khổng lồ và vô hình có thể vùi dập những sinh linh bé nhỏ bất cứ lúc nào.

Với địa hình hiểm trở, ít người lui tới, thú dữ ở hàng đàn, Thất Sơn trở thành nơi ẩn náu lý tưởng cho bọn cướp bóc, lục lâm thảo khấu, những anh hùng lỡ vận, những nhà cách mạng lập căn cứ kháng chiến chống ngoại xâm, những bậc chân tu muốn xa lánh hồng trần… Từ đó có nhiều truyền thuyết, huyền thoại, hư hư thực thực, kể cả thú vật cũng được nhân cách hóa để tạo nên nhiều câu chuyện huyền bí, được truyền miệng một cách hấp dẫn, lý thú từ đời nầy qua đời khác, vừa răn đe, vừa tạo hy vọng cho con người vượt khó khẩn hoang mở mang làng mạc cho cuộc sống ngày càng phồn thịnh.

Rồi nhiều tôn giáo lớn nhỏ, gọi chung là đạo, dựa vào đây để hoạt động, chiêu dụ tín đồ với nhiều tôn chỉ, mục đích khác nhau. Người dân vốn cần cù lao động, ít học, thiếu hiểu biết nên cả tin, may gặp bậc chân tu thì tu nhân tích đức, làm tốt đẹp thêm cuộc sống tinh thần của mình ; gặp kẻ xấu, bọn ác giả danh thì lầm đường lạc lối, rơi vào cảnh lầm than rất đáng thương. Lưu dân ngày càng đông và khai mở, lấn dần những vùng đất hoang vu để trồng trọt, khai thác tài nguyên sinh sống. Núi gần gũi hơn với con người. Những kẻ lừa phỉnh từ từ lộ mặt bị công chúng tẩy chay, vẫn còn một số người có thủ đoạn tinh vi, ru ngủ người thiếu hiểu biết, đưa đẩy người cuồng tín vào sự lệ thuộc tinh thần để khống chế nhiều mặt khác.

Với một số người, Thất Sơn trở thành cõi tâm linh siêu việt, là trung tâm của thế giới sau nầy. Và những ngọn núi ở đây được suy tôn là sừng rồng, chân rồng, mình rồng, đuôi rồng… để trở thành những long huyệt đắc địa, độc đáo, không nơi nào có trên quả địa cầu nầy. Thiên Cấm Sơn sẽ bùng nổ lộ diện đền đài và Minh vương xuất hiện tạo lập đời mới. Có người tin tưởng tuyệt đối và buông bỏ công việc làm ăn để khổ hạnh chờ đón ngày đó với hy vọng hưởng vinh hoa phú quý, được đón rước về nơi Cực Lạc.

Có người bán tín bán nghi, nhận thấy khoa học ngày càng tiến bộ, con người ngày càng có khả năng khuất phục thiên nhiên, thú dữ mất dần, một số thiên tai có thể dự báo trước và ngăn chặn, đền đài minh vương không phải là cụ thể mà có thể mang một nghĩa bóng khác, người đời không suy đoán được. Rất may số nầy rất ít, không làm ảnh hưởng tới cộng đồng đang chăm lo khẩn hoang, sản xuất, phát triển cuộc sống và bảo vệ quê hương, tham gia vào đời sống với một tinh thần văn minh, lành mạnh.

Dãy Thất Sơn rất đẹp, có nhiều thắng cảnh, di tích và phong phú vô cùng về cảnh quan, khí hậu, tâm linh. Một kho tàng văn nghệ dân gian lưu truyền liên quan đến dãy núi nầy rất đa dạng, độc đáo với nhiều màu sắc về dân tộc, tôn giáo, thể hiện ý chí và tinh thần trong công cuộc khẩn hoang, đối đầu với thiên tai, thú dữ và giặc khuấy nhiễu biên cương… Mỗi ngọn núi đều có ít hoặc nhiều truyền thuyết, huyền thoại, cả những câu chuyện thật một trăm phần trăm và những sự tích được cường điệu để tăng thêm sự tôn vinh, huyền bí hoặc nhiệm mầu, không thể nào sưu tầm hết.

Qua bao cuộc chiến tranh, núi bị trọc đầu rồi núi lại xanh, sức sống của núi vô cùng tuyệt diệu, sự chịu đựng của núi vô cùng bền bỉ. Núi ngày nào là nỗi sợ hãi, là sự cấm kỵ, nay là nơi che chở cho bao người, mang lại sự sống cho dân địa phương, tạo nhiều thích thú, hấp dẫn cho du khách và khách hành hương. Thất Sơn bây giờ mỗi năm thu hút hàng triệu lượt người về chiêm bái, hành hương, du sơn ngoạn cảnh.

Núi Cấm với hồ Thủy Liêm mênh mông trên đỉnh, lung linh soi bóng chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn và tượng Phật Di Lặc cao hơn 33 mét, kỷ lục châu Á. Bên cạnh đó núi còn có nhiều vồ, hang, điện… mỗi nơi gắn liền với một sự tích ly kỳ, thú vị. Núi Kéc cũng hình thành khu du lịch tâm linh đón người thăm viếng từ dưới chân lên tới đỉnh. Núi Dài có di tích lịch sử Ô Tà Sóc và hang Ma Thiên Lãnh với câu chuyện cảm động về bảy chiến sĩ bị bom đánh sập miệng hang, đồng đội bên ngoài phải dùng ống lồ ồ thụt hết mắt đổ cháo và sữa vào nuôi một thời gian rồi cũng hy sinh. Núi Cô Tô với thắng cảnh suối Vàng và hồ Soài So, điện Năm Căn, bàn chân Tiên, vồ Hội, lên cấp nhì có điện Nam Hải, cấp nhất có điện Kín ; đồi Tức Dụp với hàng trăm lò-ảng, một địa đạo trong lòng núi đã tạo nên trận đánh 128 ngày đêm vang dội, nay trở di tích cấp quốc gia và là khu du lịch nổi tiếng…

Con người đã làm chủ những ngọn núi. Cùng với núi chia sẻ ngọt bùi, tai ương để núi ngày càng màu mỡ, tươi đẹp, hấp dẫn, dang rộng vòng tay đón khách hành hương, du lịch khắp nơi đổ về.

Mưa lại trút nước. Những ngọn núi chìm dần trong màn mưa trắng xóa. Trời tối dần dù chẳng thấy bóng hoàng hôn. Chúng tôi phải mặc áo mưa ra về sau bữa cơm chiều trong một quán núi với vài ly rượu thuốc ấm nồng tình nghĩa trong một ngày mưa dai dẳng.

Mưa núi…

 

An Giang, tháng 10/2014

TRỊNH BỬU HOÀI


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét