Gọi Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là gọi theo địa lý hành chính chứ thật ra, đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì tất cả, tận trong thâm tâm, chúng tôi đã xem hội như là một mái nhà chung của giới cầm bút trong cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, khu vực ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh, thành với 48 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, quá đỗi khiêm tốn so với tổng số hội viên chung trong cả nước.Biết rằng mình ở “miệt thứ” so với thủ đô Hà Nội và một vài địa phương, nhưng trong những năm qua, anh chị em hội viên nơi đây vẫn âm thầm sáng tác, vẫn lặng lẽ đến với công chúng yêu văn chương bằng tất cả tài năng, bản lĩnh và bầu nhiệt huyết của mình.
Và cũng may mắn hơn nữa khi ĐBSCL đã có những người thầy, người anh, người chị trong làng văn đi trước, khơi lửa, tiếp lửa và giữ lửa cho các thế hệ sau. Một nhà văn Trang Thế Hy lịch lãm trên từng con chữ như một nhà ngôn ngữ học Nam bộ, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm quý báu về nghề mà bản thân tích lũy được. Một nhà thơ Lê Chí với những vần thơ mang đậm hơi thở cuộc sống, là người đã bắt tay vào hoạt động cho Ban liên lạc khu vực trong những ngày đầu thành lập vào năm 2000, là một trong những người sáng lập website Sông Cửu Long. Nhà thơ Nguyễn Bá với những câu thơ lục bát mang đậm tinh thần yêu quê hương, đất nước. Nhà văn Anh Động với những câu chuyện dân gian hiện đại, làm mê đắm lòng người. Nhà văn Nguyễn Thanh với văn phong nghiêm cẩn, chuẩn mực. Một nhà văn Lương Hiệu Vui hóm hỉnh, tài hoa… Và còn, còn nữa, những nhà văn, nhà thơ đàn anh, đàn chị, đối xử với đàn em đúng nghĩa một người anh, người chị chân tình, ấm áp. Có thể kể ra đây như: Ngô Khắc Tài, Đinh Thị Thu Vân, Song Hảo, Phạm Trung Khâu, Nguyễn Lập Em, Lê Đình Trường, Lê Đình Bích, Trịnh Bửu Hoài, Ngọc Phượng, Hồ Tĩnh Tâm, Kim Ba, Nguyên Tùng, Phạm Thị Ngọc Điệp…
Và dĩ nhiên, chúng tôi không thể không kể đến những nhà văn, nhà thơ gạo cội xuất thân từ mảnh đất này ra đi và tác phẩm của họ đã để lại sức ảnh hưởng lớn đối với các cây bút ĐBSCL như các nhà văn, nhà thơ: Sơn Nam, Anh Đức, Viễn Phương, Mai Văn Tạo, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Lê Anh Xuân, Đinh Quang Nhã, Võ Trần Nhã, Chim Trắng, Trần Thanh Giao, Trầm Hương…
Có thể khẳng định một điều, Hội Nhà văn Việt Nam là một “điểm đến chung” cho các tác giả đã hoặc chưa là hội viên. Bản thân chúng tôi ở xa vẫn dõi theo các hoạt động của hội. Nổi bật nhất là vấn đề cố gắng đưa văn học Việt Nam ra dòng chảy chung của thế giới chứ không đóng cửa tự khen nhau. Hội đã tổ chức rất thành công các hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương; đã gắn kết với Hội Nhà văn Á - Phi; kiến tạo và duy trì mối quan hệ bền vững với Hội Nhà văn các nước thuộc lưu vực sông Mê Công, duy trì Ngày Thơ Việt Nam.
Cũng tự biết mình thuộc dạng “con nhà khó” trong vấn đề tài chính, anh chị em viết văn ĐBSCL biết vậy nên không ai bảo ai vẫn lặng lẽ sáng tác, vẫn âm thầm tìm đọc lẫn nhau. Chúng tôi rất vui mừng trước sự giữ vững tay nghề của các nhà văn, nhà thơ như: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Diệp Mai, Phan Trung Nghĩa, Lê Thanh My, Trương Thị Thanh Hiền, Võ Diệu Thanh, Hữu Nhân, Lê Minh Nhựt… và những tác giả kế thừa đầy triển vọng của ĐBSCL như: Võ Mạnh Hảo, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Đức Phú Thọ, Phong Hân, Nguyễn Đăng Khương, Vĩnh Thông, Nguyễn Giang San…
VŨ HỒNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét