29/8/15

Sách và cuộc sống quanh ta - Nguyễn Khánh Tuyết Vy

“Xin hãy giúp cho cháu thấy được thế giới kỳ diệu của sách. Nhưng cũng hãy cho cháu có đủ thời gian lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim đang tung bay trên bầu trời, đàn ong đang bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát trên đồi xanh…” - Trích “Xin thầy hãy dạy con tôi" của tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học.
   Thế giới trong những trang sách vô vàn những điều kỳ thú: các nền văn hóa tươi đẹp, xã hội loài người, những bí ẩn của muôn loài,… Tổng thống Mỹ Lincoln đã đề cao vai trò của sách và việc cảm nhận, suy tư về những bí ẩn cuộc sống qua bức thư gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường con trai ông theo học.
   Bức thư của tổng thống Lincoln có đoạn đề cao ích lợi của sách và đưa ra ý kiến với nhà trường rằng: phải cho con ông có đủ thời gian suy ngẫm về cuộc sống. Đoạn thư đó như một thông điệp mà tổng thống muốn gửi đến ngành giáo dục trên toàn thế giới về ích lợi của sách và việc giáo dục về cách sống đúng đn của trẻ em: hãy tập thói quen đọc sách và phải biết cảm nhận cuộc sống quanh mình.
   Thật vậy, sách là người bạn thông thái và kiên nhẫn đưa ta cập bến bờ tri thức, là người bạn tri âm luôn đồng cảm cùng ta, giúp ta trải lòng mình với người viết. Đối diện với thế giới sách là đối diện với lương tri của chính mình, đối diện trước những vấn đề xã hội mà tác giả đang đề cập để người đọc có thể cùng tác giả phân tích về nó, để có một cái nhìn phổ quát về xã hội, con người và bản thân. Một quyển sách, có khi chứa đựng trong đó cả một nền văn hóa xa xôi. Có khi, ẩn trong trang sách lại là những phận người nghèo khổ, những cuộc đời bất hạnh. Sách đánh thức những giấc mơ đã ngủ yên, nhen lên trong tim mỗi người ngọn lửa ấm áp của lòng nhân hậu. Sách là những chuyến tàu vượt thời gian và không gian chở tâm trí ta phiêu lưu đến những miền đất lạ. Đã bao giờ bạn đi tìm điều bí ẩn? Cánh cổng thần tiên của những trang sách diệu kỳ sẽ luôn mở ra dẫn bạn đi kiếm tìm.
   Đọc sách là một thói quen tốt, nhưng cũng đừng quên suy ngẫm về cuộc sống! Bởi vì, sách cũng chỉ là phương tiện cho ta vốn hiểu biết về xã hội. Ta phải chuyn những gì mình đã học được từ sách trở thành của ta, đọc và suy ngẫm, đưa ra ý kiến của mình. Sách là cuộc sống, mà cuộc sống cũng là những trang sách thơ mộng. Hãy bước ra mở tung cánh cửa sổ, ánh nắng sẽ tràn vào góc phòng tối tăm! Ngoài khung cửa, bầu trời trong xanh và “những bông hoa nở ngát trên đồi”. Vẻ đẹp, những sắc màu tươi thắm ấy của tạo hóa không dành riêng cho những tâm hồn cằn cỗi mà chỉ dành cho những ai biết tìm đến những khoảng lặng. Cuộc sống luôn luôn vận động, ta hãy sống chậm lại để có thể nắm bắt từng hơi thở của nó, những vận động rất đỗi nhẹ nhàng và tinh tế của nó luôn diễn ra:  ngọn gió xuân mơn man trên cánh hoa, dòng suối êm đềm chảy, hay một cánh chim kiêu hãnh vụt lên trời cao để rớt lại giữa đồng lúa dập dờn tiếng hót trong trẻo…
   Qua việc đề cao ích lợi của sách và việc giáo dục trẻ em một cách đúng đắn, tổng thống Lincoln thực sự là người am hiểu sâu sắc về công cuộc giáo dục. Trong thư, ông cũng đã đề cao trách nhiệm lớn lao của những nhà giáo dục trên thế giới. Nhà văn nổi tiếng Maksim Gorky với vốn hiểu biết văn hóa sâu rộng nhờ đọc sách, ông cũng từng khẳng định: “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới.”. Không tin, bạn hãy đến với những tác phẩm của Hector Malot, chẳng hạn như câu chuyện vchú bé trong tiểu thuyết Vô gia đình sẽ khiến bạn hào hứng, tò mò suốt cuộc hành trình tuổi thơ của chú. Đọc sách, để tin tưởng và biết ước mơ về một cuộc sống lý tưởng, hướng thiện như trong thế giới cổ tích của Nghìn lẻ một đêm hay những câu chuyện ngụ ngôn của Lev Tolstoy. Hay đọc, chỉ đơn giản là để tìm lại cái tinh hoa, khí phách của người xưa, để ngược dòng thời gian trở về quá khứ mấy trăm năm trước mà khóc cho cuộc đời, số phận cụ Tố Như, hay chỉ là để hòa mình vào nỗi buồn trước tình cảnh đất nước thời bấy giờ cùng với cụ Nguyễn Khuyến trước cảnh thu làm lòng cho người thoát sao cho khỏi nỗi sầu thiên c:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
   Tuy nhiên, phần lớn trong xã hội là những kẻ lười đọc sách, những kẻ sống hời hợt, vô cảm. Họ là những người tư tưởng chậm tiến bộ, ít hiểu biết về những thực trạng xã hội liên tục diễn ra, kiến thức về xã hội kém. Có những người kém cỏi về kiến thức, nhưng vì sĩ diện nên thường dùng lý lẽ này để bào chữa: “Kiến thức quá nhiều, tôi không thể biết mọi điều trên thế giới.”. Kiến thức tuy nhiều, nhưng nếu mỗi ngày ta đọc vài trang sách, ta sẽ tích lũy dần trong trí nhớ mình một lượng lớn kiến thức – kho tàng quý báu ta tự tìm được, nhờ đó mà ta quán xét sự việc chính xác, biết yêu thương và đồng cảm hơn. Đọc sách cũng như việc mài giũa viên ngọc của lương tâm, càng mài ngọc thì ngọc sẽ ngày càng sáng.
   Ông hoàng của thơ ca tình yêu Xuân Diệu cũng phải hát lên:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
   Phải chăng, Xuân Diệu đã tham lam, khao khát nm giữ lấy tất cả những gì đẹp nhất của trần gian, buộc chặt lại sắc hương của hạnh phúc đang căng đầy trong ngực trẻ. Nhà thơ đã nhìn cuộc sống qua lăng kính của tình yêu và tuổi trẻ, qua những sắc màu cầu vồng nối mặt đất với thiên đường. Xuân Diệu muốn ôm trọn cả trời đất vào lòng, thi sĩ đang sống vội vã, gấp gáp với từng nhịp thở của thế giới muôn sắc muôn hương.
   Và sách, là chiếc gương phản chiếu lại những kỳ thú của thế giới ấy! Biết bao điều đẹp đẽ đương ẩn sau bức màn bí mật chờ ta tìm đến những phút giây lặng lẽ để vén mở nó lên, đọc sách vô cùng thú vị! Nhưng hiện nay, thị trường xã hội có quá nhiều sách khiến chúng ta đôi khi hoang mang không biết quyển sách nào thực sự cần thiết cho mình. Vậy trước hết, bạn hãy ưu tiên chọn sách theo sở thích, sau đó hãy cân nhắc đến giá trị của sách: giá trị đạo đức, nhân văn; đó là những quyển sách tắm mát hồn mình bằng nghệ thuật, lắp đầy con tim và khối óc mình bằng tình yêu cuộc sống và những nét văn hóa của mọi thời đại. Để rồi khi gấp cuốn sách lại, ta vẫn nghe như có một bản đàn ngân nga những nốt nhạc diệu kỳ, những giai điệu êm ái của cuộc sống lúc nào cũng hòa âm.
   Đọc sách là một nét văn hóa độc đáo. Vậy nên mới ra đời văn hóa đọc! Đáng buồn thay, sách điện tử ngày càng được con người ta chuộng hơn. Những tiểu thuyết mạng bao giờ cũng thu hút người xem nhiều hơn những cuốn sách được xuất bản. Tuy nhiên, theo tôi văn hóa đọc phải gắn lin với sách giấy, có những quyển sách được lưu giữ qua hàng thế kỷ. Hãy thử, nhấp một ngụm trà buổi sáng, rồi thật thong thả, giở ra đọc một cuốn sách cũ còn thơm thoảng thứ mùi hương đặc trưng, lòng mình sẽ nhen lên một cảm xúc rất khó tả. Đó chính là sự nô nức, phấn khởi khi ta giở ra những trang sách đầu tiên, sắp được bước vào một cuộc hành trình dài đầy hấp dẫn. Vì vậy, sách điện tử làm sao có thể thay thế được sách giấy đã trở thành một người bạn tri âm, ta đã dành cho người bạn ấy với tất cả niềm yêu quý, trân trọng, say mê!
   Tổng thống Lincoln đã đánh thức trong tôi, cũng như đánh thức hàng triệu trái tim con người dậy lên ước vọng một nền giáo dục đúng nghĩa đã bị lãng quên giữa xã hội chạy theo thành tích, thi đua. Bức thư ông khiến cho chúng ta phải trăn trở về vấn đề lớn lao của nhân loại: tương lai của một thế hệ trẻ phải được hướng đến những điều cao cả và tốt đẹp nhất. Tôi tin chắc, những quyển sách nhân văn cũng như văn hóa đọc sẽ hướng con người đến những phẩm chất toàn diện và khát vọng vươn tới mặt trời chân – thiện – mỹ.

NGUYỄN KHÁNH TUYẾT VY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét