Phương pháp giảng dạy chỉ được thực hiện trong thời gian trên lớp, tức
là thời gian diễn ra tiến trình dạy và học. Ở phương pháp giảng dạy mới (xin
không trình bày, vì tất cả giáo viên Ngữ văn đều đã được trang bị), về mặt nội
dung bài dạy tôi xin không bàn, vì mỗi bài khác nhau, có nội dung khác nhau,
giáo viên phải biết cách lựa chọn và phối hợp nhiều phương pháp sau cho phù hợp
như các phương pháp đọc - hiểu, diễn giảng, đàm thoại, nêu vấn đề, gợi mở,
trực quan, thảo luận nhóm… đó là sự vận dụng sáng tạo của giáo viên. Tôi chỉ muốn
trao đổi về cái “rìa” trong tiến trình thực hiện phương pháp mới, đôi
khi không chú ý, không đầu tư nhiều, thường được chuẩn bị sơ sài, đại khái… ngược
lại có tác dụng rất lớn đối với sự cảm thụ văn chương của học sinh. Đó là những
vấn đề tôi sẽ bàn dưới đây:
1. Kiểm tra bài cũ, vở bài soạn.
Như một thói quen “truyền thống”, bất cứ giờ dạy nào, trước khi học
bài mới giáo viên đều tiến hành kiểm tra bài cũ, môn văn cũng không ngoại lệ.
Kiểm tra bài cũ, đây là phần làm mất thời gian một cách vô ích,
đôi khi còn làm cho tiết dạy trở nên kém chất lượng. Thời gian dành cho phần kiểm
tra bài cũ thường mất từ 5 - 7 phút, có khi hơn cả chục phút. Học sinh lên trả
bài mà thuộc thì mau, còn tiết kiệm được thời gian, phấn khởi mà dạy. Học sinh
mà không thuộc bài hoặc thuộc lấp vấp, cứ cập cà, ậm ừ,…thì mất nhiều thời
gian, giáo viên dễ “nổi nóng”, làm cho không khí lớp học chùn xuống, học
sinh học trong trạng thái không thoải mái, giáo viên cũng không mấy phấn khởi,
kết quả là tiết dạy sẽ kém chất lượng. Người dạy không sẵn sàng truyền thụ kiến
thức, người học không sẵn sàng tiếp thu thì làm sao tìm được điểm đến cho tiết
dạy và cuối cùng “mục tiêu cần đạt” sẽ… không đạt. Đây là tình trạng thường
xuyên diễn ra ở các môn chứ không riêng gì môn Ngữ văn.
Vấn đề đặt ra là giáo viên vẫn không mạnh dạn bỏ hẳn đi phần kiểm tra
bài cũ. Nếu bỏ kiểm tra bài cũ, thì cột điểm miệng sẽ lấy ở đâu? Để có cột điểm
miệng không nhất thiết phải cứ “máy móc” trả bài. Trong thời gian học bài mới,
giáo viên có thể đặt câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời và cho điểm lấy cột điểm
miệng. Dĩ nhiên những câu hỏi nào khó thì mới lấy hẳn cột điểm miệng, những câu
hỏi dễ hơn một chút thì nên cho điểm cộng (và quy định 3 điểm cộng sẽ làm tròn
điểm 8 lấy cột điểm miệng, tùy giáo viên thống nhất với lớp như thế nào mà
thôi). Đây là cách làm đở mất thời gian lại làm cho học sinh tích cực tham gia
phát biểu xây dựng bài (tâm lý học sinh phổ thông mà, nếu có cho điểm là các em
thích), tiết dạy sẽ sinh động, sôi nổi, phù hợp với phương pháp giảng dạy mới
là lấy học sinh làm trung tâm. Điểm miệng còn được lấy bằng cách cho học sinh
làm bài tập nhóm, hoặc là các hoạt động ngoại khóa,… rất nhiều cách để cho điểm
các em, tùy thuộc giáo viên có linh hoạt hay không mà thôi. Cũng nên nhớ rằng
cho điểm là nhằm kích thích tinh thần học tập của cá nhân học sinh, của nhóm hoặc
của cả tập thể lớp chứ đừng bao giờ cho điểm đi ngược lại mục đích đó, đã có
nhiều bài học kinh nghiệm từ vấn đề này. Đừng bao giờ “tiết kiệm” điểm với những
em học sinh có tinh thần làm việc nghiêm túc.
Soạn bài trước khi đến lớp đó là nhiệm vụ của học sinh. Nhưng giáo viên
cũng đừng bao giờ kiểm tra vở bài soạn của từng em một ngay trên lớp, rất mất
thời gian. Làm như thế nào thì hợp lý, vấn đề này tôi sẽ trình bày ở phần dưới.
2. Lời vào bài.
Đây là phần mà giáo viên ít đầu tư hoặc giả có thì cũng chỉ qua loa mà
thôi. Trong phương pháp giảng dạy mới vấn đề này cũng không được đề cập tới.
Tôi thấy cần phải xem xét lại và có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này. Không thể
nào chấp nhận được những cách vào bài như thế này “tiết trước chúng ta đã học
bài…của tác giả…hôm chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp tác giả …với bài…” hoặc “chúng
ta đã làm quen với tác giả Tản Đà với bài “Muốn làm thằng cuội” ở chương trình
THCS, hôm nay chúng ta tiếp tục tìm hiểu tiếp bài “Thề non nước” của Tản Đà”…
Hoặc có nhiều giáo viên không giới thiệu gì hết, cứ ghi ngay tên bài dạy lên bảng
và tiến hành học bài mới…
Lời vào bài phải giới thiệu đựợc đôi nét về tác giả, tác phẩm cũng như
văn phong của nhà văn, nếu dạy thơ thì phải giới thiệu cho các em những bài
thơ, hoặc những câu thơ tiêu biểu của tác giả đó. Đồng thời phải đặt bài dạy
trong mối liên hệ với các bài trước đó, hoặc đặt trong hoàn cảnh lịch sử ra đời
của tác phẩm đó… Nói chung là làm sao gợi được sự tò mò, thích thú ban đầu của
các em đối với tác phẩm, truyền đạt được những thông tin cần thiết về tác giả,
tác phẩm… Đôi khi không nhất thiết cứ là lời giới thiệu của giáo viên, cũng có
thể tạo nên những tình huống có vấn đề, kích thích học sinh phải giải quyết vấn
đề …Như khi dạy tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao. Giáo viên thay lời vào bài bằng
cách cho học sinh xem bức tranh vẽ cảnh Chí Phèo say rượu, trên mình đầy thẹo,
vết với dòng chữ lớn “Ai cho tao lương thiện?” rồi giảng “lương thiện vốn là bản
tính của con người, không ai lấy được, cũng không ai cho, tại sao tên say rượu
này lại đòi lương thiện? Vì sao hắn đánh mất lương thiện hay là ai đã lấy mất
lương thiện của hắn?...Để trả lời các câu hỏi đó, thầy trò ta sẽ tìm hiểu tác
phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao…” Hoặc khi dạy bài “Kính gởi cụ Nguyễn Du” của Tố Hữu,
nhất thiết phải phác họa lại hoàn cảnh lịch sử trong giai đoạn đó, là những năm
mà “Bình - Trị - Thiên khói lửa” và tại sao trong giai đoạn chiến tranh ác
liệt như thế, đất nước ta lại tiến hành kỉ niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào
Nguyễn Du? Tại sao Tố Hữu lại chọn thời gian đó để làm bài thơ “Kính gởi cụ
Nguyễn Du”phải chăng tác giả có dụng ý gì?... Đặt ra nhiều câu hỏi có vấn đề, gợi
sự tò mò cho học sinh trước khi học bài mới, làm cho hứng thú học tập của học
sinh sẽ tăng lên.
Khi dạy những bài văn học nước ngoài, do sự hiểu biết của các em về tác
giả cũng như các tác phẩm của tác giả đó rất hạn chế, nếu không nói là đôi khi
không biết gì nữa là khác, nên nhất thiết phải giới thiệu rõ ràng về tác giả
cũng như tác phẩm một cách thu hút trong phần lời vào bài. Như khi dạy bài “Thư
gởi mẹ” của Êxinin thì lời vào bài có thể giới thiệu như sau:
“Êxênin (1895 -1925) là nhà thơ trữ tình nổi tiếng của nước Nga đầu thế
kỉ XX. Cuộc đời ngắn ngủi, bất hạnh nhưng ông đã để lại cho đời một tài sản thơ
vô giá. Thơ ông phản ánh một tình yêu đằm thắm, sâu nặng với quê hương, đất nước.
Êxênin sinh trưởng ở nông thôn, lớn lên giữa ruộng đồng thảo nguyên, từ nhỏ đã
tấm mình trong suối nguồn dân ca. Bởi vậy những vần thơ trữ tình đẹp nhất của
ông đều dành cho làng quê phảng phất nổi buồn:
“…Ôi nước Nga cánh đồng màu thắm đỏ
Và màu xanh ngã xuống những dòng sông
Tôi yêu đến sướng vui và đau khổ
Nỗi sầu thương hồ nước chảy mênh mông”
Êxênin tự coi mình là nhà thơ cuối cùng của làng quê nước Nga. Ông dã sáng
tạo nên những hình ảnh tuyệt diệu “thấm nhuần phong vị Nga một cách trọn vẹn”
(M.Gorki) để ca ngợi vẻ đẹp của làng quê nước Nga: ngôi nhà gỗ izba vàng óng,
những cánh đồng màu đỏ thẳm, vòm lá bạch dương xào xạc mỗi độ thu sang, những
đàn gia súc trên đồng cỏ, những người thân như ông bà, cha mẹ, anh chị em…và đặc
biệt là hình ảnh người mẹ nghèo, hiền từ nhân hậu luôn luôn rực sáng trong thơ
ông. Bài thơ Thư gởi mẹ cho ta thấy được vẻ đẹp của tâm hồn thơ ấy” (Vũ Thị
Sao Chi - Ngôn nghữ số 12/2006)
Lời vào bài hay, gây được sự tò mò, thích thú, đặc biệt là kích thích
được hứng thú học tập văn ở các em, sẽ làm cho chất lượng tiết dạy tăng thêm rõ
rệt. Học sinh chịu “hợp tác” giáo viên sẽ hưng phấn hơn khi giảng, vì
cả hai tâm lí điều thoải mái, đều tập trung vào bài dạy, bài học nên chất lượng
giờ giảng được nâng cao cũng là điều tất nhiên. Giáo viên đầu tư nhiều hơn cho
lời vào bài, cần đánh giá đúng tầm quan trọng và hiệu quả mà nó đem lại. Đã đến
lúc nên có cái nhìn mới, cần thiết cho lời vào bài…
3. Củng cố, dặn dò.
Giờ dạy tác phẩm văn chương đã trở thành máy móc và khô cứng như một
quy trình “công nghệ hóa”, đó là kiểm tra bài cũ, thầy giảng hoặc hỏi, trò
nghe chép hoặc trả lời, rồi củng cố dặn dò và hết. Dù cho thay đổi phương pháp
mới đi chăng nữa, thì bước cuối cùng củng cố dặn dò vẫn còn tồn tại.
Chúng ta có thói quen dạy học sinh khám phá cái hay cái đẹp của tác phẩm
văn chương bằng cách đi vào “mổ xẻ” từng phần của tác phẩm dưới góc độ
ngôn từ. Hoặc là phân tích theo cách “bổ dọc”, hoặc “theo tuyến nhân vật”, có
khi theo bố cục… đối với truyện. Còn thơ thì, nếu là thơ Đường thì phân
tích theo đề, thực, luận, kết hoặc theo khổ thơ, đoạn thơ…Mà
chúng ta quên đi một điều, là không dạy cho học sinh cách “lắp ghép” lại
các phần đã “mổ xẻ”. Nên dẫn tới tình trạng học sinh làm bài Làm văn các ý thường
rời rạc, không liên kết được với nhau, dẫn tới tình trạng suy diễn lung tung, cẩu
thả…Như khi dạy bài “Tràng giang” của Huy Cận, chúng ta phải dạy phân tích
theo từng khổ thơ, nếu không dạy cho các em cách sâu chuỗi các khổ thơ này lại
với nhau thì học sinh sẽ khó nắm bắt được nội dung cũng như nghệ thuật toàn
bài, vì mỗi đoạn trong bài thơ này như một bài Tứ tuyệtriêng biệt. Trường
hợp đối với bài “Đây thôn Vĩ dạ” của Hàn Mặc Tử cũng tương tự, cái tứ của
bài thơ này hay nói là sợi dây liên kết các khổ thơ lại với nhau nó nằm ẩn ở
bên trong, nếu giáo viên không hướng dẫn cho học sinh thì học sinh sẽ rất khó
tìm ra…Chính vì thế thời gian thay vì “củng cố, dặn dò” thì tại sao ta lại
không để thời gian đó cho giáo viên bình lại toàn bộ tác phẩm vừa dạy. Lời bình
cuối bài của giáo viên chính là cách giúp cho học sinh hệ thống lại bài dạy,
còn là cách dạy các em “lắp ghép” lại càc phần vừa “mổ xẻ”. Giờ
dạy văn sẽ là giờ dạy của một môn ”nghệ thuật đặc biệt” chứ không còn
chỉ là giờ dạy của một môn văn đơn thuần. Có thêm những lời bình luận hấp dẫn của
giáo viên sẽ thu hút học sinh hứng thú học hơn, sẽ làm cho các em “tự bị cảm
hóa” tác phẩm.
Đang say sưa, nhập tâm khám phá cái hay cái đẹp của tác phẩm, tự nhiên
sắp hết giờ, giáo viên “củng cố dặn dò” các em chuyển sang một vấn đề khác chẳng
ăn nhầm vào tác phẩm, kéo học sinh trở về “thực tại” đầy “thực dụng”
là làm dấu những yêu cầu để về nhà chuẩn bị bài mới, thì những vấn đề được học
trước đó cũng theo…mây khói. Chính vì thế việc giáo viên bình luận lại tác phẩm
cuối giờ học sẽ làm cho học sinh khắc sâu hơn vấn đề đã học.
Còn việc dặn học sinh chuẩn bị bài mới, không phải bỏ mà là phẩn này
nên phân công cho cán sự bộ môn của lớp làm bằng cách treo bảng phụ cho các bạn
theo dõi. Cũng như phần trên kiểm tra vở bài soạn của học sinh cũng giao cho
cán sự bộ môn làm, nhưng giáo viên phải khéo, có kiểm tra nhắc nhở. Tôi tin là
khi giao những việc này cho cán sự bộ môn của lớp làm các em sẽ làm hoàn thành
tốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét