Nếu xét về
trình độ học vấn, làng Bình Thủy (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang) là
môt trong những làng có số người học thạc sĩ cao nhất tỉnh An Giang. Ông Lê Văn
Bé Nhỏ, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Nếu tính luôn ông thạc sĩ Thiều, Trưởng Trạm
Y tế thì làng này đã có 7 thạc sĩ. Nhiều gia đình có các con đều học trên cao đẳng,
đại học. Chuyện học hết lớp 12 ở đây là bình thường. Nơi đây đất hẹp người
đông, người dân làm nông là chủ yếu nhưng nhà nào cũng lấy việc nuôi dạy con
cái ăn học nên người làm trọng.
Làng thạc sĩ
ven sông
Làng nằm cặp
theo tuyến sông Hậu và xếp Năng Gù, xã cù lao Bình Thủy, huyện Châu Phú. Xuôi
theo con đường vòng tráng nhựa phẳng lì dẫn chúng tôi đi đến nhà những người có
con học thạc sĩ.
Anh Trần Phúc
Hảo, thư ký thường trực Trung tâm học tập Cộng đồng xã Bình Thủy, lấy quyển sổ
công tác lẩm bẩm tính từng người học trên đại học: Trần Bá Hạnh, Nguyễn Văn Bé
Tám, Nguyễn Hồng Hoai, Trương Hiếu Thuận, Lý Thị Thanh Dung. Đặc biệt, Trần Thị
Thanh Nhi, nhỏ tuổi nhất (sinh năm 1985) vừa tốt nghiệp đại học, bảo vệ đề tài
đạt 9,5 điểm, được ghi trong bảng vàng của trường. Kết quả thi đậu vào thạc sĩ
công nghệ thực phẩm và đồ uống lại một lần nữa Thanh Nhi đỗ thủ khoa ngành hóa
công nghiệp, với số điểm 18/20 cho cả 2 môn thi cơ bản và chuyên ngành công nghệ.
Điều đáng trân trọng ở gia đình Thanh Nhi, ba và mẹ trước đây là giáo viên, bên
ngoại có 2 người dì là bác sĩ, 1 người là tiến sĩ, còn bên nội có 5 người con
thì 4 người là giáo viên tiểu học. Giữ gìn và phát huy truyền thống dòng họ hiếu
học, 3 chị em của Thanh Nhi ai cũng cố gắng học. Chị hai Trần Thị Như Ngọc, tốt
nghiệp Cao đẳng Kỹ nghệ thành phố Hồ Chí Minh, đang công tác tại Công ty Afiex
An Giang; chị ba Trần Thị Vân Nhi, tốt nghiệp Trung cấp dược, mở quầy thuốc bán
tại nhà.
“Còn đại học
vài chục người và trung cấp tính không hết đâu. Bình Thủy đất hẹp nhưng riêng về
chịu khó nuôi con ăn học thì dân ở đây chẳng thua ai đâu và đi đầu trong huyện.
Có nhiều gia đình các con đều học trung cấp, đại học và trên đại học”, anh Trần
Phúc Hảo tự hào nói. Điển hình như gia đình Lý Thị Thanh Dung, có 3 chị em đều
học từ đại học trở lên. Người thứ 2, Lý Thị Thanh Xuân, tốt nghiệp Đại học sư
phạm Sử, đang là Phó Hiệu trưởng Trường Nguyễn Trãi (thành phố Long Xuyên); người
thứ ba, Lý Thanh Huy, tốt nghiệp Đại học Ngân hàng, đang công tác tại công ty
Điện - Nước An Giang. Còn Thanh Dung, tốt nghiệp đại học sư phạm Lý loại giỏi,
tham gia công tác giảng dạy được 2 năm tại trường THPT Trần Văn Thành. Cô vừa
thi đỗ vào cao học Cần Thơ, chuyên ngành Lý. Để lo cho con có cái chữ, ông
Thanh Tường và bà Hoàng Yến (ba mẹ Thanh Dung) phải tần tảo làm việc và chi
tiêu tiện tặn. Cũng tốt nghiệp đại học, nhưng vì điều kiện khó khăn, ông Thanh
Tường đành ở nhà canh tác 1 ha đất lúa, để vợ yên tâm công tác. Suốt 22 năm làm
trong Ban Giám hiệu trường THCS Bình Thủy, bà Hoàng Yến phải đảm đương trọng
trách vừa hoàn thành tốt việc cơ quan, vừa nuôi dạy các con học hành để nên người
hữu ích.
Bà Hoàng Yến
tâm sự: “Để nuôi các con ăn học thành đạt, ngay từ lúc sinh con, tôi đã có kế
hoạch dạy dỗ phù hợp. Như Thanh Dung, lúc lên 6 tuổi vào lớp 1. Qua 1 học kỳ là
cháu đã đọc báo được. Mặc dù hướng con học giỏi đều tất cả các môn nhưng phải
tôn trọng ý kiến của bọn nhỏ và đầu tư cho con hợp lý. Suốt thời gian học đại học
chỉ cho con tiền chi tiêu vài tháng đầu còn những tháng sau nó làm gia sư, có
tiền tự nuôi bản thân nên vợ chồng tôi không phải nặng lo tiền gởi con. Gia
đình tôi xài tiền hết sức tiết kiệm để dành dụm mua sách cho con tham khảo những
bài văn hay, những bài tập mẫu; giải trí duy nhất của bọn trẻ là xem ti-vi,
nghe radio và đọc báo. Để khuyến khích tinh thần học tập của các con, mỗi khi
chúng nó có kết quả học xuất sắc là có phần thưởng”.
Bán “lờ” để
nuôi 12 con ăn học
Ở cái làng thạc
sĩ này, ai cũng thán phục bà Nguyễn Thị Sen và ông Trần Ngọc Anh. Nhà nghèo,
đông con, ông bà phải hết sức tằn tiện để 12 người con ăn học đàng hoàng như
bao bạn bè trang lứa. Trong số những người con của ông bà, có 9 người tốt nghiệp
phổ thông, 1 người học thạc sĩ, 1 người học đại học và 1 người học cao đẳng sư
phạm.
Không nén được
niềm vui, bà Sen bộc bạch: “Nhà có 1 ha đất trồng lúa, nhưng tới 14 miệng ăn. Để
có tiền nuôi các con ăn học, không ngại khó, ngại khổ, vợ chồng tôi sớm hôm lặn
lội trên khắp các nẻo đường trong tỉnh và ven biên giới Campuchia gánh bán từng
chiếc lờ cá sặt. Chúng tôi thà ăn mắm muối, chịu đựng khổ khó, miễn mong sao
con cái học hành nên người để rạng rỡ nhà họ Trần”. Thấy vợ chồng ông vất vả,
trước kia nhiều bà con lân cận bàn ra tán vào là “nên cho mấy đứa nhỏ ở nhà phụ
việc, chớ có chữ nghĩa cho lắm vào thì biết chừng nào mới thoát khỏi đói
nghèo”. Những lúc ấy, vợ chồng ông chỉ lắc đầu cười, dặn nhau dù cực khổ thế
nào cũng quyết tâm cho con ăn học tới cùng. Giờ người con thứ 7 của ông bà là
anh Trần Bá Hạnh, đang học thạc sĩ kinh tế; Trần Văn Châu tốt nghiệp đại học;
người con Út học cao đẳng. Những người con còn lại đều tốt nghiệp PTTH và cuộc
sống ổn định. Những nỗi nhọc nhằn của ông Anh, bà Sen nay đã được các con đền
đáp xứng đáng.
Với nhà nông,
xưa nay gia tài để lại cho con thường là một số đất đai, để con cháu nối nghiệp
cha ông dải nắng dầm sương, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Thế nhưng, nhiều
gia đình ở làng cù lao Bình Thủy lại thi nhau cho con ăn học với mức phấn đấu
vào đại học và trên đại học. Có thể ở xứ khác không lạ, nhưng với một xã cù lao
thuần nông đất hẹp người đông như Bình Thủy thì đây quả là một bước tiến mới
trong tư tưởng của người nông dân. Thật đáng trân trọng!
PHỤNG TIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét