21/8/13

Bùa ngải quê nhà - truyện ngắn Võ Diệu Thanh

Tôi nghe đồn người Chăm biết bỏ ngải. Nhà tôi chỉ cần  bước qua cái bụi trâm bầu bên hiên nhà đã gặp xóm Chăm nên tôi hơi sợ. Chị Tịm cười:
- Chị không biết người Chăm có bỏ ngải ai không, chớ chị bỏ ngải cho người Chăm với người Kinh xóm Cây Dương này ráo trọi rồi.
Chị nói, bún nước lèo chị bán mỗi ngày có ngải. Nó làm người ta ghiền ngầy ngật lúc nào không hay. Nó được hỗ trợ đắc lực bởi sả mới nhổ sắc nhuyễn, còn y dòng nhựa thơm nồng, bằm chung tỏi nướng. Mắm ruốc trắng khô, nướng trong lá chuối dậy mùi... Nồi bún vừa sôi trong nhà, người ngoài đường đã bị cái mùi thơm ấm nồng xộc vô mũi, lôi cơn thèm ra đầu lưỡi và nước miếng chảy tới no thôi. Bữa đứng gió, chỉ cần chị thêm vài nhánh củi me nước, lửa phừng lên, nước sôi lục ục, xa cả khúc đường hơi thở đã ngập mùi nước lèo.
Từng thớ thịt trong những đứa con nít Chăm, Kinh quanh xóm Cây Dương này được nuôi lớn từ những tô bún nước lèo của chị. Mấy nông dân như ba tôi thì chỉ cần ăn một tô bún trộn với nửa tô cơm nguội là có thể khom lưng đắp bờ cả ngày không biết đói. Những người đi xa như bác Hai tôi thì có cái để bồi hồi khi nhớ xứ nhớ quê.
Tôi thì khỏi phải nói. Sáng không ăn bún, cả ngày cũng hết muốn ăn món gì cho đàng hoàng. Mỗi lần bán bún cho tôi, chị Tịm ưu tiên lựa nhiều nhiều bắp chuối. Cho anh hai thì nhiều ớt. Còn bún cho ba tôi thì chị không để cá. Ba nói “ngọt thơm của cá tan ra nước hết rồi. Ăn suông mới thấy cái đã của nước lèo”. Chị chú ý tới từng sở thích của nhà tôi bắt đầu từ anh Hai.
Tình yêu của anh Hai và chị Tịm bắt đầu từ vụ anh không biết ăn ớt. Hồi chị mười lăm đã gánh quang bún ngang nhà tôi. Anh ăn mấy lần chê “bữa mặn bữa lợ”. Chị học hỏi đâu đó, chỉ non tháng sau, trước lúc đi học, không ăn được tô bún chị nấu là dường như ngày đó anh thấy trong mình bải oải. Mỗi lần bán bún cho anh chị Tịm cứ để đầy muỗng ớt. Anh ghét ớt, vừa vứt bỏ, vừa cằn nhằn “bữa nào cũng dặn mà sao lỳ quá không biết”. Chị cười “con trai không biết ăn ớt mai mốt có vợ bị ăn hiếp cho coi”.
Không lâu sau anh Hai ăn bún thiếu ớt là chạy cùng xóm kiếm cho bằng được. Cái nồng của từng khúc ớt ngâm nước mắm trộn với mùi ngan ngát của bún nước lèo khiến cái lưỡi anh chết lịm, cái bụng no tràn. Còn cái dáng áo bà ba gòn gọn oằn vai gánh bún, đôi gò má thắm lửa căng hồng, làm trái tim anh động đậy.
Anh Hai tôi yêu đương hiền lành như con gái. Họ đã nói gì với nhau chưa, tôi không biết. Có điều, tôi sớm đọc được ngôn ngữ tình yêu thầm kín trong lòng họ. Vậy mà thiệt bất ngờ, một hôm tôi nghe ba nói với anh Hai:
- Ba dọ ý con Tịm rồi. Nó thương con nhưng nó không có làm vợ con được đâu. Con nhỏ tội nghiệp…
Người trong xóm nói ba chê chị Tịm là tại chú Lịnh, ba chị quá hư. Ngày xưa chú Lịnh có thương một cô nào đó ở trong kinh, nhưng cô đó chê chú Lịnh nghèo hay chê tính tình cục mịch không biết nữa. Ngày cô đi lấy chồng, chú ực một hơi gần hai lít đế, bước tới cổng vu quy của cô dâu bứt tan nát mấy lá đủng đỉnh, xô ngã hai cây chuối đã được đính rồng phụng thiệt khéo bằng lá vú sữa. Rồi chú ra đường, tuột trần truồng nằm ngủ tỉnh bơ. Cô dâu vẫn được về nhà chồng nhưng nghe đâu hạnh phúc của họ xịu xạo như cái cổng vu quy ngày đó. Chú Lịnh cũng không còn được mấy phần hồn để sống. Má chị Tịm là một cô gái mồ côi, thấy cảnh chú vậy nhón mấy lời an ủi, rồi một mâm trầu và ít trái cau là có thể thành vợ thành chồng. Nhưng hạnh phúc kham khổ đó không được bao lâu thì bà mất. Chú Lịnh tiếp tục té vô hũ rượu. Bỏ mặc chị Tịm với gánh bún, chú ôm chai rượu đi sàng xê khắp xóm. Ba tôi thường hay mời chú Lịnh ghé uống trà, có con cá ngon ông làm một món gì đó rồi kêu tôi tới mời chú nhâm nhi. Là ba muốn giúp chú giải khuây. Ba hay nói “thằng chả nặng tình nhưng yếu đuối”.
Bởi họ thân nhau vậy nên khi biết ba nhứt quyết không cho anh Hai thương chị Tịm, chú Lịnh xách chai rượu tới nhà tôi, để xuống ván cái cốp:
- Tôi nhứt định phải túm cho được thằng xui gia như anh. Đừng đòi cưới vợ cho thằng Hai nghe. Đám cưới nó tôi quậy tanh bành.
Ba kêu tôi nướng mấy con khô lìm kìm phơi từ hồi nước giựt. Hai ông ngồi nhậu một hơi. Chú Lịnh say khóc như con nít. Chị Tịm bán nhẹ gánh bún, hạ nó bên cạnh gốc me nước trước nhà tôi, tới dìu chú về. Chú theo chị hay chị bước theo chú cũng không biết, chỉ thấy hai đôi chân bước nghiêng bước ngả giữa đường quê. Nhìn ống quần mềm quấn chân chị, xịu xạo bên cạnh hai chân trần mốc thếch của chú, tôi thèm khóc. Tôi hiểu lí do vì sao ba không muốn anh Hai cưới chị Tịm.
Ông bà tôi sinh được hai người con. Cả hai người đều ham học, nhưng lớn lên chỉ có bác Hai theo con đường chữ nghĩa, lập nghiệp tận Sài Gòn. Ba cưới vợ quê để tiện việc coi sóc mười mấy công đất hương hoả, dưỡng đãi tuổi già như chuối chín cây của ông bà nội. Một phần ba không thích không khí chợ búa “tối ngày nhà nào nhà nấy đóng cửa kín mít, ngột muốn chết”. Thế nhưng, mỗi lần dắt anh em tôi lên nhà bác Hai chơi, thấy hai đứa nhìn thao láo mấy nhà cao trật ót, sợ quíu cái dòng người đông gì mà đông đổ xuôi đổ ngược, mắt ba có một màng nước ướt rượt. Khi chúng tôi ghé mấy khu vui chơi, anh em tôi vừa thích thú vừa ngỡ ngàng, nét mặt ba buồn buồn. Lúc vô siêu thị, chúng tôi đứng bên thang cuốn cả buổi mà không dám bước lên, một hồi bậm gan phóng đại thì cả người chới với, la qué lên một tiếng khiến mấy người anh con của bác Hai cười muốn nghẹt thở, ba cũng cười nhưng miệng thì méo xẹo. Thành phố có những thứ mà dưới quê trăm năm sau chưa có được. Đường từ Sài Gòn về nhà, ba tôi ngồi im, vuốt đầu từng đứa.
Cho nên anh Hai phải đi con đường mà có thể mở mày cho cả một tương lai dài. Phải chi tôi là trai, có thể gánh thế anh cái tương lai dài đó…
Vậy là anh Hai lên thành phố học.
Ngày anh đi, tôi thấy anh không ăn bún sáng. Có lẽ anh bỏ cơm cả ngày. Anh đứng nép bên cửa nhìn dáng chị Tịm gánh bún chầm chậm ngang nhà tôi.
Thường thì khi chị Tịm bán tới nhà tôi thì gánh bún đã vơi quá nửa,  nồi nước lèo đã xắc được mấy phần. Bữa nay gánh bún còn đầy. Thau rau ghém vun cao chừng như sắp gãy ngọn theo bước chân của chị. Bữa nay chị gánh mà không bán. Củi lửa phía dưới nồi lạnh tanh. Thau bún không được đậy kỹ bằng tấm sà bay, lớp bún trên mặt khô cứng vì nắng gió. Đường về, gánh vẫn còn oằn oại trên vai…
*
*     *
Người ta đi xa, mọi thứ dù nặng dù nhẹ cũng tan mau theo thời gian. Anh Hai dễ dàng tìm được cho mình người con gái khác. Ba tôi không biết rành gốc tích nàng dâu nhưng dọ tới dọ lui thấy cũng dân chịu học nên gật đầu.
Trưa bữa nhóm họ bà con tới nhà đông đủ. Bận bịu khách khứa một hồi tự dưng ba tôi hỏi:
- Con Tịm bữa nay có bán bún không?
Có lẽ ba tôi đã đói bụng. Độ này chị đã gánh bún tới nhà tôi. Cũng có lẽ ba đang lo lắng. Tôi lắc đầu.
Ba nghĩ chắc chị không dám gánh bún ngang nhà tôi vì sợ cầm lòng không được. Tôi nói chị phải canh chừng chú Lịnh. Chú nhậu từ hồi mấy anh trong xóm cặm cây cột che rạp đầu tiên. Chị sợ chú xỉn quá tới nhà tôi quậy. Ba tôi bưng chung trà uống cạn rồi rót nhanh chung kế. Ông uống trà hay uống cảm xúc mình cũng không biết nữa:
- Kêu nó kệ ổng đi, để ổng quậy cho vui.
Ba lo cho chị hơn. Nhưng chị không sao hết. Đám cưới anh xong tôi vẫn thấy gánh bún chị đi ngang nhà khi còn lưng nồi. Làn khói chứa chan mùi nước lèo lận quận trên miệng nồi rồi trôi tuột ra sau.
Ba tôi đang ngồi uống trà chợt uống nhiều hơn. Uống gần hết bình trà, ba kêu tên tôi:
- Lấy cái tô chạy theo con Tịm mua cho ba tô bún.
Sau ngày cưới anh Hai chú Lịnh uống rượu không ngày nào nghỉ. Uống thay cơm. Uống ngày rồi uống đêm. Uống không cho tỉnh. Mấy tháng liền như vậy. Một bữa tự nhiên chú ngưng ngang. Giống như sợ rượu. Ngày nào chú cũng tới nhà tôi uống trà. Chú ốm dữ lắm. Mỗi lần gặp chú, tôi không khỏi thẫn thờ nhìn ba. Chú cười cười với tôi, mà tôi thấy như là nước mắt chú đang tràn từ từ:
- Chú nhát lắm, chịu khổ không bền. Ba con gan góc. Phải chi chú bằng một nửa ổng thì con Tịm đỡ khổ hơn. Phải chi chú chết sớm…
Đó là lúc chú bệnh nặng lắm. Không lâu sau chú qua đời. Ai cũng nói vì giận ba tôi mà chú chết sớm.
Trước và sau khi chú mất nhiều người tới hỏi cưới chị Tịm. Họ nói, “ông Lịnh hư hỏng thì thây kệ ổng, quý là quý tính cần mẫn đảm đang của con Tịm”. Chị cười, chính vì câu nói này mà chị không ưng họ. Họ không hiểu gì về chị, về ba chị. Tôi không biết chị Tịm có bị tình yêu làm mờ mắt không. Tôi không dám trách ba. Má tôi mất sớm, ba chỉ ở vậy, dành cho chúng tôi trọn đời rồi. Nhưng tôi buồn giùm chị. Ba sẽ hối hận vì bỏ lỡ một nàng dâu như chị Tịm.
Tôi bất bình cho chị rất nhiều. Nhất là mỗi lần nhìn chị thui thủi bên gánh bún. Mấy anh trai chọc ghẹo, chị vẫn lạnh tanh dù tô bún chị trụng cho họ vẫn nghi ngút khói nước lèo. Trong mắt chị không tồn tại đàn ông đàn bà, mà chỉ còn duy nhất chị, tô bún và những người ghiền bún. Tình yêu tới nhẹ nhàng, đi vội vã. Ai biết nó để lại bên trong cái dáng mảnh mai mềm nuột kia những chấn động gì? Có thấy gì đâu mà sao nhìn cứ cồn cào bụng dạ.
Chị nói:
- Chị không giận chú Út, không giận anh Hai em miếng nào đâu, em đừng để bụng.
Tôi cự:
- Chị nói dối! Nếu không giận sao chị không thương người khác, không lấy chồng?
- Theo chồng rồi bỏ gánh nước lèo cho ai?
- Vậy thì chị về nhà chồng bán bún. Bún của chị đi tới đâu người ta ghiền tới đó.
Chị lắc đầu:
- Xứ khác người ta ăn uống không có giống chỗ mình. Biểu mình nấu nướng khác đi chị thấy bụng dạ mình nó lạ hoắc lạ huơ. Buồn dữ lắm.
Chị quến ngải rồi. Chị bỏ ngải mê hoặc người nhưng chính chị lại bị nghiện. Chị ghiền nấu, ghiền nhìn khách lùa từng đũa bún, đang ăn trong miệng đã muốn lùa thêm miếng kế. Nhìn vậy mà no. Chị bán chỉ cầu cho những người ghiền bún có cái thỏa cơn ghiền. Mưa thì mặc áo mưa, che cái bếp bằng mấy tấm tole xoay tròn hình nón. Bún vẫn bốc khói dưới màn mưa tới cửa từng nhà. Nước lên thì chiếc xuồng tam bản nhỏ, nguyên cái quang gánh được đưa lên xuồng. Chị ngồi trên xuồng, nhìn người người ngồi cầu khỉ ăn bún mà no con mắt. Quanh họ nước lĩnh lãng, nước một màu, trắng sông trắng đồng. Ăn bún trên mặt nước, mùi nước lèo dường như đậm đà hơn.
Có lẽ mùa này cá nhiều, nhất là cá linh, thịt trắng ngọt thau miệng. Mùa này cá nấu chua, kho rệu, kho lạt dầm me, ăn lần một lần hai đã ngán. Chỉ có nấu bún nước lèo có thể ăn cành hông, no tới ớn luôn nhưng khi đói lại muốn trụng một tô lùa xì sụp. Cá linh mùa lũ nấu bún nước lèo có vị ngọt mùi thơm đủ sức níu chân người xa xứ.
Tôi lấy chồng xa, nhiều năm liền gần như không thể ăn sáng được vì kiếm nát nước cũng không khi nào thấy tô bún ở xóm Cây Dương. Gần xa chỗ tôi cũng có mấy bảng đề “bún cá”. Ghé vô, cũng sả nghệ ớt cắt khúc mà càng ăn càng thấy chơi vơi. Mấy miếng chả chiên, huyết luộc, tỏi phi rải trên mặt làm tô bún trở nên lạ hoắc. Ăn bún mà nhớ khát cổ những tô bún cọng nhỏ, được trụng qua ba bốn quận nước lèo của chị Tịm, từng cọng bún uống no cái mùi bay xa cả khúc đường. Như vậy mới đúng điệu bún Cây Dương. Đúng điệu mà rẻ. Mỗi lần nghĩ tới, mùi nước lèo dậy đầy mũi. Nó dậy từ trong nỗi nhớ. Mỗi lần về quê ăn bún tôi luôn húp phải cơn xốn xang của chính mình. Đó là khi bắt gặp những sợi tóc bạc của chị ngày càng dầy hơn, dáng chị ngày càng mỏng hơn so với gánh bún vẫn nặng trìu trịu trên vai.
Cưới vợ xong anh Hai ít về nhà. Mỗi lần về chơi chị Hai phải cụ bị theo nhiều thịt heo để sáng nấu miếng hủ tiếu cho chị và mấy đứa con. Ở đây gần người Chăm nên những món hủ tiếu, bánh canh giò heo bán không ai ăn, nên không ai bán. Bún nước lèo thì chị thua. Mỗi lần về cực vậy nên chị ngại về. Anh Hai nhớ ba thì lâu lâu về một mình, có khi rủ tôi cùng về. Lần nào vừa lên nhà anh cũng biểu tôi đi mua cho anh một bọc bún hai tô. Chị Tịm bán mỗi ngày hàng trăm tô bún, múc không biết bao nhiêu ớt, vậy mà mỗi lần cầm muỗng vớt ớt, rưới vô cái bọc bún no nưởng của tôi, chị lại run tay. Chị biết tôi mua cho ai. Tôi cũng thấy hơi thở mình run. Tình yêu qua những muỗng ớt, nó cay tan nát ruột gan mà chị nhớ chi nhớ miết. Quên như anh Hai có phải rảnh rang không.
Đúng là Anh Hai tôi quên được. Anh thảnh thơi, làm ăn khá giả lắm. Anh muốn ba lên sống với vợ chồng anh “giao thông thuận lợi, bệnh tật cũng dễ bề xoay trở”. Ở dưới quê còn cái gì nữa đâu mà nắm níu. Đất đai thì ba bán lần hồi lúc lo cho anh em tôi đi học, lúc mua một cái nền nhà nhỏ cho anh Hai cưới vợ... Chỉ còn gần hai công đất kế chòm mộ họ nội, ba đã bàn với tụi tôi để dành cho chị Tịm “đặng nó có cái dưỡng già”. Mồ mả ông bà ngày tết ngày thanh minh mới cần được dọn dẹp sửa sang… Vậy mà ba lắc đầu. “Đừng có biểu ba đi, để ba ở cái xóm này. Chừng nào ba hết biết gì ai đưa đi đâu cũng được”.
Ba tôi nói mình còn khỏe lắm, đừng có lo. Một lần anh Hai tình cờ về chơi cũng vừa lúc thấy ba tôi sốt ngầy ngật. Chị Tịm lính quýnh lau nước nóng lên trán, lên cổ ba. Chúng tôi biết được dạo gần đây ba thường hay bệnh. Nhưng ba không cho đứa nào biết vì sợ chúng tôi bỏ việc về nuôi. Người cơm cháo giặt giũ cho ba mấy ngày này là chị Tịm. Anh Hai vừa thương vừa giận chị Tịm:
- Sao em không cho tôi hay? Rủi ba tôi có bề gì em gánh không nổi đâu.
Chị Tịm khóc mà không nói. Anh Hai đâu biết ba tôi không cho chị báo tin. Ba sợ chúng tôi sẽ cưỡng bức ba lên thành phố trị bệnh. Lên đó thế nào ba cũng chết héo. Thà ba chết tại đây, chết cũng vui.
Ba lắc đầu nói với anh em tôi:
- Tụi bây đừng nói vậy, tội con Tịm.
Rồi ba quay sang chị nói nhỏ:
- Đứa nào nó dám trách cứ bây, tao cắt đầu từng đứa… Con à… có thằng nào hiền hiền thì ưng đi, kiếm đứa con dưỡng già. Chớ già như tao không có ai nuôi nấng, khổ lắm…
Ba tôi nói tới đó dường như hụt hơi. Chị Tịm không trả lời được, chỉ bụm miệng thở nghẹn.
Anh Hai bần thần trong mình. Tới bây giờ anh mới biết anh không hiểu chút gì về ba, về chị Tịm. Họ giống như đang sống ở một thế giới khác, vừa thân thương vừa lạ lẫm. Họ giống như đang thụt lùi cả thế kỷ tại cái miền quê tĩnh lặng này.
Lần đó anh ở lại mấy ngày cho tới khi ba khỏe hẳn. Có anh về, chị Tịm ít ghé nhưng mỗi ngày cũng đem qua hai lượt cháo cho ba, bún nước lèo cho anh. Mỗi lần chị nán lại một chút, ngồi ôm gối nhìn anh Hai cho ba uống thuốc, đắp mền cho ba. Màng nước trong mắt chị rung rung.
Bữa ba khỏe, ba biểu anh Hai về đi, bỏ việc hoài bất tiện lắm. Cả ngày đó chị ít nói, ai hỏi gì cũng trả lời không đầu không đũa. Chiều, ba tôi ăn xong rồi mà chị lượng sượng chưa muốn về.
Trời sụp tối, ba ngủ rồi, chị tới gần anh Hai, mắt nhìn xuống chân, tay vặn vẹo vạt áo:
- Anh ôm tui một lần được không? Một lần thôi.
Anh nhìn những sợi tóc khác màu chìm nổi trên đầu chị, thấy lòng mình mềm hơn bún. Người con gái đó đã lỡ dở một đời vì yêu anh, đã nếm trải gần như tất cả cái đau đớn của buồn tủi, thèm khát. Anh chỉ muốn dang đôi tay mạnh mẽ của mình bao bọc cho chị. Chị nhìn thấy mắt anh, môi cắn lại, gần như sắp bật khóc. Tay chị ghịch mạnh như đang xé vạt áo mình. 
- Tui… muốn có một đứa con.
- ?
- Tui không để ảnh hưởng gì cuộc sống của anh đâu. Tui tự nuôi nó…
Anh tôi không kìm được mình nữa, kéo chị vào lòng:
- Anh sẽ lo cho em và con.
Lúc này mặt đất có sụp xuống, hay là thần chết có đứng kế bên cũng không làm chị buông bỏ. Nó nồng nàn êm ái hơn bất cứ thứ gì chị từng biết… Chị sẽ có một đứa con. Nó sẽ được chị yêu thương. Chị sẽ không làm ảnh hưởng cuộc sống ai hết. Chị sẽ rời khỏi xứ này để nuôi dưỡng nó nên người…
Không hiểu sao, trong lúc mụ mị vậy mà chị lại kinh hoàng khi hình dung mũi mình không còn phảng phất mùi không khí của xóm Cây Dương…Và xung quanh, một nơi xa lạ với những bóng cây, mùi đất, mùi những con người không thân thuộc. Bên  cạnh chị là đứa con không cha. Ôi...
Chị đẩy anh Hai ra, chạy riết về nhà. Ở đó mùi nước lèo đã thấm vô từng tấm lá, từng nuột lạt trên vách, trên mái… Chị ngã vùi xuống giường quấu mười ngón tay vô cái gối quen thuộc, khóc rưng rức. Khóc như ngày xưa khi chị phải suy nghĩ mấy ngày về câu nói của ba tôi: “Thằng Hai phải lên thành phố học, rồi kiếm việc ở trển luôn, đặng con cháu sau này được ở chợ với người ta. Con nhắm bề có đi theo nó được không?”. Ngày ấy chị suy nghĩ lâu lâu, muốn bạc tóc, nhưng trả lời gọn. Chị nói không. Đơn giản lắm. Chị để bàn cân trước mặt. Ba chị, nồi nước lèo, và miền quê… Đầu kia là tình yêu. Tình yêu sao mà nhẹ xìu. Chị ôm nó đi tới phía dốc bên kia của cuộc đời rồi mà có thấy hề hấn gì đâu, nhằm nhò gì đâu…
Hôm sau, chị tiễn anh Hai đi.
- Ở trển yên tâm mần việc nghe. Tui lo cho chú Hai không thua anh đâu. Chừng nào thấy không ổn tui cho anh hay mà. Tui nể chú Hai lắm. Gà trống nuôi con. Con lớn lại cắn răng chịu đựng cảnh xa con lìa cháu. Chớ là tôi, lỡ mà có con, chắc tôi bắt nó dính cứng chỗ này. Xa con chắc tui chết, mà theo con đi xứ nào tôi cũng… chết chắc. Chú Hai biết ý tôi rành lắm.
Anh cắn môi thở như khóc. Mắt rưng rưng hết nhìn ba rồi nhìn chị Tịm. Nặng tình chi mà khổ thân vầy nè, những người thân yêu của tôi.
Những người thân yêu của chúng tôi. Họ không thể rứt mình ra khỏi miếng đất máu thịt này. Nhưng họ lại muốn những người họ yêu thương được tung cánh bốn phương trời. 

VÕ DIỆU THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét